Phân luồng hải quan là thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây được xem là khâu quan trọng giúp hàng hóa lưu thông hợp pháp và nhanh chóng. Trong bài viết này, Container Rồng Đỏ sẽ giúp bạn hiểu thế nào là phân luồng hải quan và quy trình thực hiện phân luồng. Hãy cùng tham khảo nhé!
Phân luồng hải quan là gì?
Phân luồng hải quan là thủ tục hành chính giúp Cơ quan Hải Quan giám sát, kiểm tra, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện nay, Hải quan Việt Nam quy định 3 luồng hàng hóa gồm luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ. Mỗi luồng hàng tương ứng với mức độ đánh giá của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa khi xuất nhập.
Nếu như trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm, doanh nghiệp sẽ có mức độ xử phạt khác nhau. Ví dụ phạt tiền, tịch thu hàng hóa, cấm xuất nhập hàng…
>> Xem thêm: Freight forwarders là gì? Tìm hiểu quy trình forwarder chuẩn
Luồng xanh
Luồng xanh áp dụng đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của Hải quan. Khi được phân luồng xanh, Hải quan miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và thực tế hàng hóa. Nhờ đó, thời gian thông quan nhanh chóng, giảm thiểu chi phí lưu kho, chi phí logistics đáng kể. Nhân viên hiện trường sẽ chỉ cần đi in mã vạch làm thủ tục thanh lý hàng hóa.
Những mặt hàng xuất khẩu đều đặn vào luồng xanh như vải may mặc, nông sản, linh kiện máy… Tờ khai hải quan tự động thông quan điện tử ngay sau khi truyền tờ khai. Tuy nhiên, sau khi thông quan phải đính kèm hồ sơ Hải quan lên hệ thống V5. Ngoài ra, các doanh nghiệp có đóng góp GDP lớn cho nền kinh tế quốc dân sẽ phân vào luồng “siêu xanh”. Ví dụ như Samsung, Huyndai, Canon…
Luồng vàng
Đối với luồng vàng, Hải quan sẽ kiểm tra chi tiết chứng từ đính kèm trên hệ thống cùng chứng từ gốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp không phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Bộ chứng từ gồm C/O, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận kiểm dịch, giấy công bố…
Nếu được yêu cầu sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp cần chấp hành đúng quy định. Nếu lô hàng được thông quan, nhân viên hiện trường đi lấy hàng. Ngược lại, nếu phát hiện vi phạm, hồ sơ luồng vàng sẽ bị chuyển sang luồng đỏ và xử lý theo quy định.
Một số mặt hàng được miễn kiểm tra thực tế:
- Hàng xuất khẩu (ngoại trừ những mặt hàng được làm từ nguyên liệu nhập khẩu hoặc có điều kiện nằm chính sách quản lý xuất khẩu hàng hoá.)
- Máy móc thiết bị có giá trị tạo tài sản cố định được miễn thuế. Ví dụ như dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
- Hàng hóa nhập khẩu đưa vào các khu thương mại tự do, kho ngoại quan, cảng trung chuyển, hàng quá cảnh. Hoặc trong các trường hợp cứu trợ khẩn.
- Mặt hàng dùng trong an ninh quốc phòng hoặc sử dụng trong viện trợ.
- Các loại hàng tạm nhập – tái xuất có thời hạn.
- Các mặt hàng đặc biệt do Thủ tướng quyết định.
Luồng đỏ
Luồng đỏ áp dụng cho các doanh nghiệp mới thành lập, các mặt hàng nằm trong danh mục rủi ro về phân loại hàng hóa. Hoặc các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm khai báo Hải quan.
Hàng hóa thuộc luồng đỏ sẽ có sự giám định, kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra chi tiết cả hồ sơ và thực tế hàng hóa. Căn cứ theo Thông tư 112/2005/TT-BTC có 3 mức độ kiểm tra thực tế lô hàng:
- Kiểm tra toàn bộ lô hàng: Áp dụng cho mặt hàng nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan.
- Kiểm tra không quá 10% lô hàng: Áp dụng cho mặt hàng thuộc diện miễn kiểm tra thực tế. Nhưng Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm nên sẽ tiến hành kiểm tra.
- Kiểm tra không quá 5% lô hàng: Mục đích đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật Hải quan. Nếu không vi phạm thì việc kiểm tra sẽ kết thúc. Nếu phát hiện lỗi vi phạm sẽ tiếp tục kiểm tra tùy vào mức độ sai phạm.
Phân luồng hải quan có ý nghĩa như thế nào?
Phân luồng hải quan có tầm quan trọng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Việc phân loại hàng hóa thành 3 luồng giúp kiểm soát và quản lý hàng hóa. Đồng thời giúp nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, gian lận, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc nhập khẩu trái phép. Từ đó nâng cao hiệu thông quan hàng hóa vào khu vực vùng lãnh thổ Việt Nam.
>> Xem thêm: [KIẾN THỨC] Full Container Load là gì? Những điều bạn lưu ý về FCL
Quy trình phân luồng hải quan
- Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Sau đó tiến hành kiểm tra hồ sơ, đăng ký tờ khai và đưa ra quyết định hình thức, mức độ kiểm tra phù hợp.
- Bước 2: Nhập thông tin để hệ thống xử lý và phân luồng hàng hóa vào nhóm luồng xanh, đỏ hoặc vàng.
- Bước 3: Cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.
- Bước 4: Tiến hành thu phí hải quan, đóng dấu và trả tờ khai.
- Bước 5: Lưu trữ hồ sơ để làm tư liệu kiểm tra sau thông quan trong trường hợp cần thiết.
>> Xem thêm: Hàng LCL là gì? Quy trình giao nhận diễn ra như thế nào?
Nếu tờ khai hải quan điện tử trả kết quả về luồng xanh, chủ hàng tiến hành nộp thuế (nếu có). Sau khi tờ khai thông quan, nhân viên hiện trường in tờ khai và đi lấy hàng tại cảng.
Nếu tờ khai trả kết quả về luồng vàng, doanh nghiệp cần xuất trình hồ sơ, chứng từ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu. Sau khi hải quan kiểm tra và cho phép thông quan, nhân viên hiện trường sẽ in tờ khai và đi lấy hàng tại cảng như bình thường. Nếu có dấu hiệu vi phạm, Hải quan có thể chuyển sang luồng đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp hàng hóa phân luồng đỏ, doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ và hàng hóa thực tế cho Hải quan kiểm tra. Nếu hàng hóa thông quan và không có vi phạm, doanh nghiệp được nhận hàng tại cảng như bình thường.
Trên đây là những chia sẻ của Container Rồng Đỏ về phân luồng hải quan. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có những kiến thức mới bổ ích về Hải quan và xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến xuất nhập khẩu, vận chuyển, vui lòng liên hệ tới Container Rồng Đỏ. Đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chuyên môn cao luôn sẵn sàng 24/24 để giải đáp.
Thông tin liên hệ:
Công ty TNHH Tiếp Vận Container Rồng Đỏ
- Trụ sở tại: 218/19 Tô Ngọc Vân, PK. 3, P. Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Depot: 24 Lô E, Đường 109A, KDC. Bắc Rạch Chiếc, P. Phước Long A, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website công ty: rongdocontainer.com
- Hotline - Zalo: 0938939089
- Email: ops@rongdocontainer.com